Ở các bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về ngành Data science – khoa học dữ liệu trên toàn cầu năm 2019, và sơ lược về nghề Data scientist bao gồm các yêu cầu về kỹ năng, mức lương cập nhật tại một số nước châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ năm 2019, 2020. Các bạn có thể vào mục Blog của chúng tôi để tham khảo những bài viết trước.
Một trong những vấn đề “nóng bỏng” nhất hiện nay, một trong những khủng hoảng mà tất cả các quốc gia, tất cả các công ty, tổ chức khác nhau đang phải đối mặt và chịu không ít những tác động từ nó đó chính là khủng hoảng dịch bệnh Covid – 19. Covid – 19 có thể không chỉ được nhắc đến mỗi trong năm 2020 này mà ngay cả hàng chục năm nữa vì những hậu quả mà nó mang đến cho toàn nhân loại là rất lớn. Chắc các bạn đã biết quá rõ về dịch bệnh này thông qua tin tức báo chí, mạng xã hội, và cũng đã tuân thủ giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ nên có lẽ BigDataUni không cần giới thiệu hay giải thích đại dịch này là gì.
Trong chủ đề lần này, phần 1 chúng ta sẽ đề cập đến tác động của nó lên lĩnh vực Data science trên thế giới bao gồm tìm hiểu một vài số liệu tác động của Covid – 19 lên Data science (cụ thể là thị trường Analytics, Customer Data analytics, AI Software,…,) và các lĩnh vực khác như I.o.T, Cloud Computing, Cybersecurity theo báo cáo chủ yếu của MarketsandMarkets và Research Dive. Phần 2 sẽ cung cấp những thông tin hay, nhận định của các chuyên gia về ứng dụng Data Science trong việc đẩy lùi, cải thiện tình hình dịch bệnh bao gồm các điểm tích cực và tiêu cực, bên cạnh đó là tình hình triển khai Data Science cho mục đích phục hồi trở lại của các tổ chức, công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh trong giai đoạn Covid – 19 là như thế nào.
Những ngành như du lịch, giải trí, sản xuất, xuất nhập khẩu, tài chính – ngân hàng, bán lẻ (không tính E-commerce – thương mại điện tử), và những ngành, lĩnh vực khác thuộc kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, không chỉ ở nước ta mà tại hầu hết các quốc gia khác. Nhưng ngược lại, ngành Data science trong giai đoạn Covid – 19 bùng phát đang nhận được nhiều sự quan tâm và có dấu hiệu tăng trưởng không ngừng vì Data science không chỉ nó có thể hỗ trợ ngành y tế mà còn hỗ trợ các công ty tìm hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng do xu hướng mua sắm, tiêu dùng hiện tại đang phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng trực tuyến, và từ đó gia tăng cơ hội trong việc tiếp cận, thu thập và khai thác nguồn dữ liệu lớn, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và vực dậy trong hay sau khi Covid – 19 được đẩy lùi. Tuy nhiên, cái gì vẫn có mặt tốt và xấu, trường hợp ứng dụng Data science cho lĩnh vực y tế ở thời điểm này cũng vậy, cụ thể như thế nào ở phần 2 bài viết chúng tôi sẽ trình bày.
Trước tiên trong phần 1 chúng ta cùng đi vào tìm hiểu về một vài số liệu nói đến tác động của Covid – 19 lên Data science (cụ thể là thị trường Data analytics, Customer Data analytics, AI Software,…) và các lĩnh vực khác như Internet of Things, Cloud computing, và Cybersecurity
Thị trường phân tích dữ liệu nói chung (bao gồm các giải pháp, dịch vụ đến từ tất cả những công ty lớn, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu trên toàn cầu phải kể đến như Microsoft, IBM, Google, SAS, Oracle, Teradata,…) – Analytics market – theo tổ chức nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets thì với tác động của dịch bệnh Covid – 19, có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép CAGR là 15.5% trong kỳ dự báo, từ 25.4 tỷ USD năm 2019 lên đến 33.8 tỷ USD năm 2021.
Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trường của ngành phân tích dữ liệu nhờ vào tác động của Covid -19 bao gồm nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số, định hướng dữ liệu của nhiều tổ chức ngày càng tăng (Digital Transformation và Data-driven), tăng đầu tư vào phân tích dữ liệu, tăng nhu cầu về các dịch vụ từ xa (remote services) hỗ trợ khách hàng và khai thác dữ liệu vị trí (location data) để thấu hiểu hành vi khách hàng nhằm đưa ra những giải pháp sales, marketing tối ưu, đồng thời nhu cầu thu thập dữ liệu theo thời gian thực để theo dõi và giám sát tình trạng lây lan Covid – 19 trên toàn cầu của các tổ chức quốc tế cũng gia tăng.
Chiếm giá trị thị trường nhiều nhất là phân khúc giải pháp phân tích dữ liệu (Analytics solutions). Trước khi Covid – 19 xuất hiện, như chúng tôi cũng đã đề cập ở các bài viết trước đó, thì hầu hết những công ty, tổ chức ngày nay đều nhận thức được lợi ích của phân tích dữ liệu trong việc tăng trưởng lợi nhuận và tối ưu chi phí hoạt động. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là hệ thống cấu trúc, mô hình thu thập, tổng hợp và khai thác dữ liệu theo dạng truyền thống khiến nhiều công ty khó tiếp cận những xu hướng mới, và chuyển đổi số hiệu quả, dẫn đến nhu cầu rất cần các giải pháp toàn diện, bao gồm xây dựng những công cụ, hệ thống được đổi mới tốt hơn thúc đẩy định hướng dữ liệu. Xu hướng khách hàng mua sắm trực tuyến hay nói cách khác là mọi hoạt động kinh doanh trong kỳ Covid – 19 hiện tại đều phụ thuộc vào nền tảng trực tuyến khiến nhu cầu này càng được gia tăng.
Nếu xét theo ngành, thì trong giai đoạn Covid – 19 này theo MarketsandMarkets ngành y tế, chăm sóc sức khỏe đang khai thác phân tích dữ liệu nhiều nhất, các tổ chức thuộc ngành này đang đẩy mạnh tối đa ứng dụng AI và Machine Learning để tìm hiểu, giám sát tác động và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong giá trị thị trường Analytics trên toàn cầu. Châu Á cùng với Mỹ Latinh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn dự báo. Trước khi Covid – 19 diễn ra, Bắc Mỹ và châu Âu đã chiếm lĩnh thị trường phân tích dữ liệu do hầu hết các công ty lớn trong ngành đều có trụ sở tại đây và xu hướng khai thác dữ liệu ở các công ty thuộc những lĩnh vực khác tại 2 khu vực này từ lâu đã rất cao, những lĩnh vực Big Data, AI,… cũng phát triển hơn so với khu vực châu Á (trừ các quốc gia phát triển về công nghệ) chỉ là xu hướng mới nổi những năm gần đây. Hơn nữa, ở hiện tại Bắc Mỹ cụ thể là Hoa Kỳ và châu Âu là 2 ổ dịch Covid – 19 lớn nhất thế giới nên việc ứng dụng phân tích dữ liệu hỗ trợ ngành y tế có thể cao nhất so với các khu vực còn lại.
Đối với thị trường phân tích dữ liệu khách hàng – Customer Analytics market, thì theo trang Researchdive.com, trong năm 2018 thị trường phân tích dữ liệu khách hàng nói chung trên toàn cầu đạt 6.84 tỷ USD sẽ tăng lên 32.5 tỷ USD trong năm 2026 với tốc độ tăng trưởng khép hàng năm là 21.9%. Theo Researchdive, phân tích khách hàng là một lĩnh vực mới nổi được các công ty áp dụng với mục đích tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ và cũng giúp thấu hiểu được hành vi mua hàng của khách hàng. Sự tăng trưởng của thị trường chủ yếu là đến từ xu hướng triển khai các giải pháp phân tích khách hàng đang ngày càng tăng với sự trợ giúp của các công cụ phân tích dự báo (Predictive analytics). Vào năm 2020, thị trường dự kiến có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm nhỏ trong giá trị thị trường là do giãn cách, cách ly xã hội được thực hiện tại nhiều quốc gia như một biện pháp phòng ngừa Covid-19, khiến hoạt động mua sắm của người tiêu dùng giảm, kinh doanh bị ảnh hưởng, có thể phần nào khiến quy trình phân tích khách hàng không còn được đẩy mạnh như trước. Giá trị thị trường Customer Analytics trong năm 2020 trước khi dịch bệnh diễn ra được dự báo đạt 9.7 tỷ USD với tỷ lệ CAGR là 18.6%, còn sau khi dịch bệnh diễn ra là 10.1 tỷ USD với tỷ lệ CAGR là 21.9%, cũng theo Research Dive thì số liệu ở giai đoạn sau được thu thập theo thời gian thực nên có thể thay đổi.
Theo nhận định của Research Dive, mặc dù trong giai đoạn Covid – 19 bùng phát mạnh mẽ có thể khiến giá trị thị trường phân tích dữ liệu khách hàng sụt giảm, ví dụ theo dữ liệu được công bố bởi Amperity, một trong những công ty hàng đầu trong phân tích bán lẻ và tiêu dùng cho rằng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm đối với 100 thương hiệu bán lẻ ở Hoa Kỳ đã giảm khoảng 90,0% trong giai đoạn này, ngoài ra, theo Global Web Index, phần lớn nhiều người đã chuyển từ xu hướng mua sắm trên các cửa hàng bán lẻ trực tuyến sang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng sau khi dịch bệnh được đẩy lùi và kiểm soát, khả năng tăng trưởng là rất cao. Nguyên nhân có thể trong giai đoạn “đóng cửa” khi Covid – 19 diễn ra, nhiều công ty thấu hiểu hành vi khách hàng rõ hơn, thấy được lợi ích từ phân tích dữ liệu khách hàng trong việc hỗ trợ sales, marketing hiệu quả hơn, và việc ứng dụng nhiều giải pháp Customer analytics tiên tiến, thông minh có thể thúc đẩy lợi nhuận tốt hơn nếu khai thác được tối đa “insights” về khách hàng. Hơn nữa quá trình tích hợp những nền tảng công nghệ mới, cao cấp hơn như AI, Big Data,… sẽ hỗ trợ cải thiện hoạt động Customer analytics tốt hơn.
Một số liệu khác từ MarketsandMarkets, giá trị thị trường Customer analytics toàn cầu là 10.5 tỷ USD ước tính trong năm 2020 và tăng 24.2 tỷ USD năm 2025 với tỷ lệ tăng trưởng CAGR là 18.2 %. Thị trường Bắc Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường toàn cầu, trong khi thị trường châu Á – Thái Bình Dương (APAC) có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Hoa Kỳ và Canada là 2 quốc gia mà tại đây nhiều công ty, tổ chức từ lâu đã triển khai các giải pháp phân tích khách hàng để khai thác dữ liệu khách hàng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, phân tích dữ liệu hành vi khách hàng theo sản phẩm, dịch vụ là chiếm tỷ trọng cao nhất hơn cả các chiến dịch quảng cáo, và phân tích khả năng rời dịch vụ.
Đối với thị trường phần mềm Edge AI (các thuật toán AI được xử lý cục bộ trên thiết bị phần cứng mà không yêu cầu bất kỳ kết nối nào. Nó sử dụng dữ liệu được tạo ra từ thiết bị và xử lý nó để cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực trong chưa đầy vài mili giây – theo Advantech) thì tác động của Covid – 19 thúc đẩy sự tăng trưởng trên toàn cầu từ 470 triệu USD năm 2019 đến 665 triệu USD năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 19% trong kỳ dự báo. Các công ty trong giai đoạn này cần những giải pháp, công nghệ hỗ trợ quy trình làm việc từ xa (remote working), tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất và tăng nhu cầu giám sát và phân tích dự báo từ xa nhằm thúc đẩy cải thiện, đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, nhu cầu đầu tư vào phần mềm / nền tảng AI và hạ tầng internet là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Ngoài ra sự gia tăng nhu cầu về phân tích dữ liệu thời gian thực và khả năng triển khai liên tục những hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng đám mây,… là các yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng.
Dữ liệu di động (Mobile data) là được khai thác nhiều nhất bởi các phần mềm Edge AI, tức là các công ty trong giai đoạn hiện tại sử dụng những phần mềm Edge AI cho phân tích dữ liệu di động. Tiếp sau Mobile data, là dữ liệu video và nhận diện hình ảnh (image recognition)
Theo MarketsandMarrkets, các biện pháp nghiêm ngặt của nhiều quốc gia trong việc kiểm soát sự lây lan, và ảnh hưởng của đại dịch điển hình là cách ly xã hội, phong tỏa các thành phố lớn đã dẫn đến các công ty phải chuyển sang làm việc tại nhà – “working from home”, khách hàng truy cập vào các kênh bán hàng trực tuyến nhiều hơn, điều này dẫn đến việc sử dụng dữ liệu di động tăng lên. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ trên toàn cầu đã bắt đầu khai thác dữ liệu di động để theo dõi và nghiên cứu sự lây lan của vi-rút để xác định các ổ dịch có nguy cơ bùng phát dẫn đến việc sử dụng dữ liệu di động ngày càng tăng.
Tích hợp nền tảng AI vào camera giám sát (Video surveillance) đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia, và nhiều giải pháp được cung cấp bởi các công ty lĩnh vực công nghệ, và khoa học dữ liệu đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Việc sử dụng video giám sát đã được phổ biến hơn nhờ vào tác động của Covid – 19. Telehealth (công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã trở thành một chuẩn mực mới, khi các tổ chức y tế trên toàn thế giới, như WHO, CDC đã đưa ra các hướng dẫn cho việc triển khai Telehealth. Nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe đang sử dụng Telehealth để giữ an toàn cho nhân viên của họ và điều trị cho bệnh nhân từ xa trong giai đoạn Covid – 19 diễn biến phức tạp. Các bác sĩ tư nhân và các tổ chức chăm sóc sức khỏe nhờ vào Telehealth để cung cấp tư vấn trực tuyến cho các bệnh nhân trong bối cảnh cách ly xã hội. Tại Việt Nam, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec là tổ chức y tế đi đầu trong cung cấp các dịch vụ Telehealth tiên tiến hỗ trợ người dân, bệnh nhân khi nước ta tiến hành giãn cách xã hội.
Các Tổ chức Chính phủ, Cơ quan quốc gia trên toàn cầu đang sử dụng các công nghệ Video giám sát có tích hợp AI tiên tiến như máy bay không người lái, camera quan sát để quản lý giãn cách xã hội, giám sát người bị cách ly và theo dõi sự lây lan của virus. Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc đang triển khai phân tích dữ liệu video để giám sát chặt chẽ công dân của mình và có khả năng bảo vệ họ khỏi virus. Sau khi cách ly xã hội được nới lỏng, nhiều ngành công nghiệp dự kiến sẽ thấy được lợi ích trong việc áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu video tốt hơn, khiến cho thị trường này tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với dự báo trước đó.
Ngoài ra theo báo cáo của MarketsandMarkets, lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe, ở thời điểm hiện tại đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong việc ứng dụng công nghệ AI. Các tổ chức y tế đang sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI và Machine Learning để phân tích các nguồn dữ liệu lớn xung quanh Covid-19 để theo dõi tác động của virus, chẩn đoán và kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Nhiều công ty đã phát triển một số công nghệ AI để hỗ trợ phát hiện các triệu chứng Covid -19 tích hợp trong hệ thống chụp CT ngực hoặc X-quang.
Một số thông tin thêm về 3 thị trường công nghệ khác, ngoài Data science, nhưng cũng có mối liên hệ và tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của ngành Data science, đó là I.o.T (Internet of Things – Internet vạn vật), Cloud computing (điện toán đám mây) và Cybersecurity (an ninh mạng)
Với sự tác động của Covid – 19, thị trường giải pháp phần mềm, nền tảng và dịch vụ Internet of Things trên toàn cầu theo MarketandMarkets dự kiến tăng từ 150 tỷ USD năm 2019 lên 243 tỷ USD năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 13.7% trong kỳ dự báo. Các yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường bao gồm xu hướng các công ty tập trung giám sát từ xa khi cho đội ngũ nhân viên làm việc tại nhà, tăng cường áp dụng công nghệ thanh toán thông minh để giảm thiểu tiếp xúc giữa con người với nhau liên quan đến hình thức thanh toán bằng tiền mặt và sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng các thiết bị cầm tay.
Ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cũng tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường do đang được đầu tư rất nhiều vào nền tảng I.o.T, ngay cả trước khi dịch bệnh Covid – 19 diễn ra với nhiều ứng dụng khác nhau ví dụ Telemedicine (điều trị từ xa), Connected Health (thiết bị giám sát sức khỏe),…, hệ thống giám sát bệnh nhân , mục đích cải thiển, đẩy nhanh, tối ưu quá trình khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân hiệu quả.
Đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe tích hợp nền tảng IoT phải nhanh chóng hỗ trợ đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế chất lượng cao nhằm chống lại virus và cải thiện tình hình dịch bệnh khi nó gần như đã tác động đến toàn bộ “hệ sinh thái” trong lĩnh vực y tế bao gồm tác động các công ty dược phẩm, nhà sản xuất thuốc, nhà phát triển vắc-xin Covid-19, đến các bệnh viện, công ty bảo hiểm.
Phân khúc giải pháp I.o.T chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường toàn cầu trong kỳ dự báo, vả thị trường Bắc Mỹ, châu Âu tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, và châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất như những trường hợp trên.
Tác động của Covid – 19 lên thị trường Cloud computing (điện toán đám mây) trên toàn cầu bao gồm Infrastructure as a Service (IaaS – Cơ sở hạ tầng như dịch vụ), Platform as a Service (PaaS – nền tảng như dịch vụ ) and Software as a Service (SaaS – Phần mềm dạng dịch vụ) được dự kiến tăng từ 233 tỷ USD năm 2019 lên 295 tỷ năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 12.5% trong kỳ dự báo.
Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bao gồm nhu cầu gia tăng của các công ty trong việc hỗ trợ lực lượng lao động từ xa khi họ làm việc tại nhà từ đó thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP), nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và nhà cung cấp dịch vụ quản lý hosting, nhu cầu triển khai liên tục những hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng đám mây,…
SaaS là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường trên toàn cầu trong kỳ dự báo. Và ngành y tế, chăm sóc sức khỏe là ngành đầu tư, đẩy mạnh triển khai Cloud computing mạnh nhất trong giai đoạn này nguyên nhân chính là do các bệnh viện, tổ chức thuộc ngành y tế cần cơ sở hạ tầng đám mây có thể thu thập, lưu trữ và quản lý thông tin bệnh nhân với tốc độ nhanh và linh hoạt. Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, các bệnh viện cũng cần ứng dụng nhiều công nghệ điện toán đám mây để phân tích dữ liệu bệnh nhân khi số lượng hồ sơ sức khỏe điện tử ngày càng tăng, sử dụng các giải pháp đám mây để lưu trữ, mở rộng nguồn dữ liệu phục vụ nghiên cứu và tăng cường bảo mật.
Bắc Mỹ, châu Âu vẫn là 2 khu vực dẫn đầu trong Cloud computing, còn châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Thị trường giải pháp và phần mềm an ninh mạng – Cybersecurity cũng có sự tăng trưởng nhờ vào tác động của Covid – 19 từ 182 tỷ USD năm 2019 đến 230 tỷ USD năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 12 % trong kỳ dự báo. Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng chính là nhu cầu của mọi tổ chức, mọi công ty, mọi cá nhận trong việc bảo mật dữ liệu khi hầu hết tất cả các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng mua sắm, trao đổi thông tin, tương tác,… đều thực hiện thông qua nền tảng trực tuyến nhất là khi nhiều quốc gia thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội.
Trong đó giải pháp End-point security (hoặc Endpoint protection, là bảo mật thiết bị đầu cuối hay bảo mật điểm cuối, một công nghệ bảo vệ mạng máy tính được kết nối từ xa tới các thiết bị của người dùng – theo quantrimang.com) là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường.
Tương tự như các lĩnh vực kể trên, những tổ chức thuộc ngành y tế, chăm sóc sức khỏe đang đầu tư vào nâng cấp hệ thống bảo mật dữ liệu, an ninh mạng khi trong giai đoạn này nguồn dữ liệu về bệnh nhân phục vụ cho việc điều trị và nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh Covid – 19 là rất lớn, nguy cơ tội phạm, hacker tấn công và đánh cắp dữ liệu cá nhân của bệnh nhân là rất cao.
Thị trường Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục là 2 khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị thị trường Cybersecurity trên toàn cầu châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Các bạn có thể thấy chúng tôi có đề cập đến ứng dụng Data science trong thời kỳ Covid – 19 xét cho các tổ chức, công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh và kể cả y tế, chăm sóc sức khỏe nhưng không thực sự rõ ràng, còn khá mô hồ, nguyên nhân chúng tôi không thể trình bày hết được các ví dụ cụ thể do sẽ khiến bài viết trở nên quá dài.
Chúng tôi quyết định sẽ tách riêng, giới thiệu các bạn đầy đủ vào phần 2 bao gồm những ứng dụng Data science trong việc đẩy lùi, cải thiện tình hình dịch bệnh – các điểm tích cực và tiêu cực kết hợp những nhận định từ chuyên gia, và tình hình triển khai Data Science mục đích phục hồi trở lại của các tổ chức, công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh trong giai đoạn Covid – 19. Hẹn gặp các bạn ở phần 2!
Về chúng tôi, công ty BigDataUni với chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác dữ liệu sẵn sàng hỗ trợ các công ty đối tác trong việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu một cách hợp lý, tối ưu nhất để hỗ trợ cho việc phân tích, khai thác dữ liệu và đưa ra các giải pháp. Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm “Tư vấn và xây dựng hệ thống dữ liệu”, “Khai thác dữ liệu dựa trên các mô hình thuật toán”, “Xây dựng các chiến lược phát triển thị trường, chiến lược cạnh tranh”.