Ứng dụng của Big data, AI Trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19

Bigdatauni.com Follow Fanpage Contact

Quay trở lại với chủ đề tác động của đại dịch Covid – 19 lên ngành Data science, ở bài viết trước chúng tôi đã cung cấp một vài số liệu thị trường của các lĩnh vực Data science như thị trường Analytics, Customer Analytics, phần mềm Edge AI và một số lĩnh vực liên quan khác như thị trường Cloud computing (điện toán đám mây), IoT (Internet vạn vật), và Cybersecurity (An ninh mạng) trong thời kỳ Covid -19. Đặc biệt là có cái nhìn sơ lược về những ảnh hưởng của Covid – 19 lên sự tăng trưởng của những thị trường này trong tương lai. Tiếp tục với phần 2, ở bài viết lần này chúng ta sẽ đi vào các ứng dụng của Big Data AI, hay khai thác dữ liệu nói chung để đối phó với dịch bệnh Covid – 19 mà những cơ quan chính phủ tại một số quốc gia trên thế giới đã triển khai, trước đó là giới thiệu một số ứng dụng Robot trong việc đối phó Covid – 19.

Việc phản ứng, đối phó lại với đại dịch Covid – 19 và những tác động của nó đối với các xã hội và nền kinh tế trên toàn cầu thực chất ban đầu đã bị coi nhẹ, mặc dù các nhà nghiên cứu trước đó đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh có thể lây lan nhanh, số ca tử vong sẽ tăng theo, nhưng hầu hết chính phủ các nước đã đều thiếu sự chuẩn bị nhất định, kéo theo phải đưa ra những quyết định cấp bách, tức thời mà cụ thể nhất là “lockdown” – phong tỏa, đóng cửa tất cả các cửa hàng trung tâm mua sắm, đóng cửa biên giới, đường bay, dừng mọi hoạt động giải trí, hạn chế giao thương, thực hiện cách ly xã hội, buộc mọi người dân phải ở nhà… – đã tạo ra những cú sốc rất lớn cho nền kinh tế, cho nhiều công ty thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Tuy nhiên khoan cập đến sự tuột dốc, “suy thoái” trong quá trình tăng trưởng của các công ty khi chịu tổn thất lớn vì Covid – 19, cái mà mọi quốc gia đều quan tâm, và đưa nó thành nhiệm vụ số 1, chính là bảo đảm tính mạng, bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân, tìm giải pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng một cách tối đa, thông qua những hoạt động nghiên cứu về virus Corona giúp xác định những triệu chứng điển hình, và khó nhận biết của một người mắc bệnh, đưa ra biện pháp phòng ngừa như cách ly với thời hạn nhất định, điều chế thuốc đặc trị, ức chế virus, vắc-xin và đặc biệt là xây dựng khả năng tìm kiếm, phát hiện những ổ dịch có nguy cơ bùng phát, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi rất rộng, đồng thời hỗ trợ nhanh chóng những nguồn lực cần thiết cho các bệnh viện, tổ chức y tế để thực hiện quá trình xét nghiệm Covid – 19, và chữa trị kịp thời những trường hợp mắc bệnh.

May mắn thay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đặc biệt là khoa học dữ liệu, Big Data, AI – trí tuệ nhân tạo, Machine Learning – học máy,… đã bù đắp cho sự thiếu chuẩn bị, khả năng kiểm soát dịch bệnh yếu kém, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực y tế,…  của nhiều quốc gia trong việc đối phó với Covid – 19, phần nào đẩy lùi, cải thiện tình hình dịch bệnh, giảm thiểu tác hại, hậu quả mà Covid – 19 mang lại.

Mặc dù hiện tại dịch bệnh Covid – 19 đã tạm thời được kiểm soát, nhiều nước chuẩn bị mở cửa nền kinh tế trở lại, nhưng vai trò của dữ liệu trong đời sống, kinh tế xã hội vẫn sẽ được nhắc đến, phát triển hơn nữa ở tương lai sắp tới. Nào cùng BigDataUni nhìn lại thế giới đã ứng dụng Big Data, AI để vượt qua khủng hoảng Covid – 19 như thế nào.

Robot hình người (Humanoid Robot) hỗ trợ bởi AI giúp các quốc gia đối phó với Covid -19

Khi nói đến trí tuệ nhân tạo, chúng ta đều thường liên tưởng đến thứ gì đó không phải là con người, nhưng do con người tạo ra, có thể năng tương tác, hành động như một con người, thì Robot hình người có thể cho thấy được thành tựu AI rõ nét nhất. Các bạn chắc cũng đã biết đến Sophia – siêu Robot hình người được hỗ trợ nền tảng AI đầu tiên và tân tiến nhất trên thế giới, có thể nói chuyện, nhíu mày và cau mày để biểu hiện nỗi buồn, nở nụ cười biểu cảm sự hạnh phúc và cả sự tức giận, bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống, có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Qua đây thấy được sự phát triển kinh ngạc và vượt bậc của AI là như thế nào.

Trong giai đoạn đối phó với dịch bệnh Covid – 19 phức tạp, All India Institute of Medical Sciences – viện khoa học y tế Ấn Độ viết tắc AIIMS đã phát minh và đưa vào hoạt động Robot hình người có tên Humanoid ELF được hỗ trợ bởi AI có thể tương tác với con người, cao 92 cm, có camera và cảm biến để phân biệt vật cản, có thể theo dõi, quan sát, nói chuyện với bệnh nhân. Robot có thể di chuyển tự động và hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người. Đặc biệt có thể thu lại, truyền tải video theo dõi bệnh nhân, hỗ trợ những bác sĩ giao tiếp gián tiếp với bệnh nhân mục đích hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp một cách tối đa, tránh lây lan dịch bệnh.

Một công ty phân tích dữ liệu hàng đầu có trụ sở tại Anh, GlobalData, cho rằng việc áp dụng robot để điều trị cho bệnh nhân covid-19 được dự đoán sẽ phát triển ở Ấn Độ do tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ y tế nghiêm trọng. Theo công ty Universal Robots, nhu cầu ứng dụng cobot hoặc còn gọi là robot hợp tác, robot hỗ trợ con người đang ngày càng cao ví dụ mục đích hỗ trợ sản xuất mặt nạ, khẩu trang y tế chất lượng cao trong các dây chuyền lắp ráp khi mà nhiều quốc gia đang thiếu nguồn khẩu trang cho đội ngũ y tế của họ. Các chuyên gia, bác sĩ trên thế giới hiện nay cũng nghiên cứu làm thế nào để đưa những cobot vào sử dụng để kiểm tra, xét nghiệm Covid – 19 từ xa cho bệnh nhân để giảm bớt nguy hiểm cho nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Robot Humanoid ELF của AIIMS

Tương tự, bệnh viện Fortis ở Bengaluru Ấn Độ cũng ứng dụng robot để đối phó với Covid – 19. Robot có tên Mitra tại Fortis sử dụng nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để đặt câu hỏi cho người đối diện, có thể là bệnh nhân và sử dụng máy quét để đọc nhiệt độ. Nếu nó nhận thấy nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường, nó sẽ cảnh báo các bác sĩ, và bệnh nhân có thể tư vấn trực tiếp từ bác sĩ thông qua màn hình trên robot.

Robot có tên Mitra tại Fortis

Một số ứng dụng khác của Robot (cả có và không được hỗ trợ bởi AI) trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19

Ví dụ ở châu Âu (nguồn Eu Robotics)

  • Tổ chức Bucharest Robots đã đưa vào sử dụng robot UVD (khử khuẩn bằng tia cực tím) có thể khử khuẩn một không gian rộng 7500 m2 chỉ trong vài giờ, và thêm 2 robot cung cấp thông tin cần thiết cho bệnh nhân và một robot phục vụ mang thức ăn. Tất cả không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người.
  • UVD, robot khử trùng tự động của Đan Mạch, có thể tự vệ sinh các khu vực bị ô nhiễm mà không cần sự can thiệp của nhân viên y tế. Robot sử dụng tia UVC và cơ chế robot tự trị (autonomus robotics). Robot khử trùng UVD được phát triển bởi Blue Ocean Robotics cùng với công ty con UVD Robots và Bệnh viện Đại học Odense, đã giành giải thưởng công nghệ euRobotics 2020.
  • Được phát minh tại Barcelona, Catalunya, Tây Ban Nha, robot TIAGo của Pal Robotics được trang bị camera nhiệt trong đầu robot để đo và lấy nhiệt độ từ khoảng cách xa, tránh sự tiếp xúc giữa người với người. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn tiếp xúc xã hội. Robot cũng có thể đặt câu hỏi và nhận câu trả lời, cùng với việc theo dõi nhiệt độ. Điều này làm giảm thời gian xử lý các trường hợp có thể xảy ra đầu tiên và cho phép nhân viên y tế tập trung vào nhiệm vụ cứu sống những bệnh nhân đang mắc Covid -19.

robot TIAGo của Pal Robotics

  • Tại Ý, Tommy, một y tá robot, giúp các bác sĩ và y tá trong một bệnh viện ở Varese, Lombardia, theo dõi các dấu hiệu quan trọng từ các thiết bị được cài đặt trong phòng và cho phép bệnh nhân nhiễm virus corona gửi tin nhắn cho bác sĩ.

Y tá Robot Tommy

  • Dự án SPRING (Socially Pertinent Robots in Gerontological Healthcare) của đại học Heriot-Watt tại Edinburgh, Scotland, nước Anh, mục đích phát triển robot chăm sóc sức khỏe đầu tiên có thể đối thoại, trò chuyện với nhiều người cùng một lúc, hướng đến tăng cường sự an toàn trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
  • Tại Bỉ, Viện Công nghệ sinh học Flemish thuộc Đại học Vrijet Brussels đã cho phép ứng dụng các robot Kingfisher để có thể xử lý một số lượng lớn các xét nghiệm virus corona tại cùng một thời điểm …
  • Zorabots tại Bỉ cung cấp một đội robot tên James đến các nhà chăm sóc người già để giúp người dân kết nối với người thân của họ khi đang trong giai đoạn cách ly.
  • Robot Pepper tại Đức đã được đưa vào sử dụng trong một siêu thị để nhắc nhở mọi người về việc tuân thủ các quy tắc cách ly xã hội.

Robot Pepper

Ứng dụng robot trong đẩy lùi, cải thiện tình hình dịch bệnh Covid -19 là rất nhiều đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và Bắc Mỹ tập trung chủ yếu ở những nước đi đầu về khoa học công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và Hoa Kỳ,… vì bài viết có giới hạn nên chúng tôi không thể nào giới thiệu hết tất cả, các bạn có thể search ở những tài liệu, bài viết khác để tìm hiểu thêm.

Ngay cả Việt Nam ta cũng đã phát minh được nhiều robot khác nhau tuy không được hỗ trợ bởi AI nhưng vẫn giúp ích rất nhiều trong công tác phòng dịch điển hình diệt khuẩn, lau sàn như Robot Narovid1 của các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Robot khử khuẩn CD 1.0 của trường Đại học Tôn Đức Thắng,  Robot vận chuyển thiết bị phun khử khuẩn của Hội tự động hóa TP. Hồ Chí Minh và Công ty IDEA,… và nhiều dự án Robot khác đã và đang được triển khai đặc biệt là cũng đã hướng đến sử dụng AI, phát triển khả năng tương tác với con người ví dụ như dự án của trường Đại Học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM một trong những trường Đại học của nước ta tiên phong đào tạo trong lĩnh vực AI. Về phần mềm, robot được lập trình tương tác với người bệnh nhờ vào hệ thống các câu thoại phổ biến cũng như màn hình vi tính trước ngực. Robot có thể hỗ trợ bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân từ xa, hoặc đảm nhiệm các công việc đơn giản như đo huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt… nhờ vào các thiết bị điện tử rời kết nối kèm theo robot (nguồn báo Tuổi trẻ)

Robot CD 1.0 của Đại học Tôn Đức Thắng (Nguồn Tuổi Trẻ)

Robot NaRoVid1 của Viện Ứng dụng Công Nghệ (Nguồn Tuổi Trẻ)

Các quốc gia đã thúc đẩy khai thác dữ liệu lớn Big Data, ứng dụng AI trong việc đối phó Covid – 19 như thế nào?

Sau Trung Quốc, thì Hàn Quốc là một trong các quốc gia châu Á có sự lây lan dịch bệnh Covid – 19 ở tốc độ cao nhất, nhưng đã có thể làm chậm lại khi số ca nhiễm gần hơn 9000 ca, tất cả là nhờ vào những quy định khắt khe kết hợp với các công nghệ tiên tiến trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi quốc gia.

Ví dụ, chính phủ đã phát hành một ứng dụng điện thoại thông minh có thể theo dõi các đối tượng tự cách ly để đảm bảo rằng họ không rời khỏi nhà và duy trì sự tách biệt nghiêm ngặt với những người khác, bao gồm cả các thành viên gia đình. Những người bị cách ly có thể sử dụng ứng dụng để báo cáo các triệu chứng của họ và cung cấp cập nhật trạng thái cho các cơ quan chức năng.

Việc thu thập liên tục khối lượng dữ liệu lớn cũng giúp nhà chức trách Hàn Quốc có thể xác định nhanh những ổ dịch có thể bùng phát, nhanh chóng triển khai những giải pháp cách ly, khử trùng khu vực ổ dịch kịp thời.

Hàn Quốc gửi tới người dân những tin nhắn với nội dung cảnh báo để cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ về những lộ trình di chuyển của những người mắc bệnh xung quanh khu vực sống của mình. Dựa vào dữ liệu điện thoại, CCTV, thông qua hình ảnh từ các camera giám sát, dữ liệu sử dụng thẻ tín dụng hay định vị điện thoại thông minh, họ có thể biết chính xác từng người bệnh đã đi đâu, ở đâu và mọi lộ trình đều được dựng lại, và công bố cho tất cả mọi người dân, một cách công khai. Tuy Hàn Quốc là những nước có nền văn hóa tôn trọng sự riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân cao, nhưng vì mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid – 19, họ phải phá lệ, và kết quả đạt được thành công. Mặc dù hiện tại đã xuất hiện thêm ổ dịch mới nhưng nhiều chuyên gia thế giới vẫn tin một chiến thắng khác của Hàn Quốc trong việc đối phó với Covid – 19.

Hàn Quốc cũng là minh chứng cho thấy không cần phải “lockdown”, phong tỏa trên diện rộng như nước Ý mà số ca nhiễm Covid – 19 có thể được giảm mạnh.

Nguồn hình Google

Chính việc thu thập được thông tin đầy đủ kết hợp với khả năng xét nghiệm trên phạm vi rất rộng mà khó có thể có quốc gia nào bắt kịp Hàn Quốc (Ví dụ theo số liệu báo Tuổi Trẻ vào tháng 3, Hàn Quốc có thể xét nghiệm trên 15000 người 1 ngày nhờ vào việc có rất nhiều địa điểm xét nghiệm kể cả dịch vụ xét nghiệm mà người dân không cần bước ra khỏi xe hơi, từ tháng 1 đến tháng 3 đã xét nghiệm trên 250000 trường hợp), Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong cực kỳ thấp so với những nước có tổng số ca nhiễm cao hơn rất nhiều.

Nguồn hình Google

Smart Contact Tracing mà Hàn Quốc đã triển khai vàđem lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch cho thấy tầm quan trọng, lợi ích của Big Data là như thế nào. Tuy nhiên cũng phải nói thêm, Hàn Quốc có nền tảng thông tin, văn hóa truyền thông tin tức, hệ thống an ninh với sô lượng lớn CCTV thuộc top các quốc gia trên thế giới, cụ thể theo số liệu thống kê năm 2010, thì một người dân trung bình bị CCTV thu lại hình ảnh đến 83.1 lần, năm 2014, Hàn Quốc có đến 8 triệu camera giám sát, con số không hề nhỏ (nguồn TheConversation). Tỷ lệ người dân sử dụng Smart phone là rất cao, và một trong các quốc gia tiên phong trong phát triển mạng 4G, và 5G. Tất cả các yếu tố có thể cho thấy nguồn dữ liệu mà chính phủ Hàn Quốc có thể thu thập và khai thác là rất lớn.

Tại Việt Nam ta cũng đã xuất hiện một ứng dụng điện thoại thông minh với chức năng cũng gần giống như tại Hàn Quốc có tên Bluezone, được phát triển bởi BKAV.

Theo ICT Vietnam, Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smart phone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu.

Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với Fl).

Cách thức vận hành của Bluezone (Nguồn ICT News)

Trở lại với trường hợp Hàn Quốc, Hàn Quốc cũng đã học được rất nhiều bài học từ những sai lầm của mình, đặc biệt là tình trạng thiếu thốn các công cụ xét nghiệm trong khủng hoảng dịch bệnh MERS (virus corona gây hội chứng hô hấp cấp ở vùng Trung Đông) năm 2015. Đối phó với Covid – 19, trước khi cả dịch bệnh bùng phát, Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị được bộ kit xét nghiệm tân tiến được kiểm chứng và đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn. Đó là nhờ vào AI (trí tuệ nhân tạo).

Theo Forbes, vào ngày 31 tháng 12, khi tin tức đầu tiên về coronavirus ở Vũ Hán đến Hàn Quốc. Giám đốc điều hành của Seegene, Chun Jong-yoon, 63 tuổi, đã dự đoán điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Ông ngay lập tức ngừng tất cả các công việc khác tại công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Seoul, Seegene, và ra lệnh cho nhà nghiên cứu và nhân viên chính của mình tập trung hoàn toàn vào việc sản xuất một bộ kit chẩn đoán cho Covid-19.

Trong hai tuần Seegene đã phát triển thành công bộ kit xét nghiệm của mình có tên Allplex 2019-nCoV. Vào ngày 27 tháng 1, sau trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đầu tiên ở Hàn Quốc, ông Chun đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC); cơ quan đã yêu cầu kiểm tra, xem xét bộ kit và sớm biết rằng quy trình phát triển Seegene đã phù hợp chặt chẽ với các hướng dẫn của KCDC. Vào ngày 12 tháng 2, bộ kit Seegene đã được KCDC phê duyệt để sử dụng thông thường phải mất 6 tháng. Cơ quan y tế châu Âu cũng đã phê duyệt sớm hơn năm ngày trước đó.  Chính nhờ vào thành quả này, mà Hàn Quốc đã có được khả năng xét nghiệm rất nhiều trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và phát hiện sớm bệnh nhân mắc Covid – 19, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Sự kết hợp thành công của chính phủ Hàn Quốc với công ty về công nghệ sinh học như Seegene là nhờ vào đâu?

Thiết kế của bộ kit xét nghiệm được phát triển với việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo. AI đã giúp rút ngắn thời gian cần thiết để thiết kế và xây dựng bộ kit xét nghiệm. Cấu trúc di truyền của virus thường mất 2 tháng 3 để nghiên cứu, và tạo dựng. Seegene đã thành công phát triển các thử nghiệm trong vòng chưa đầy ba tuần, cũng nhờ vào tự động hóa và AI. Các giải pháp dữ liệu lớn dựa trên trí tuệ nhân tạo cho phép các nhà khoa học của Seegene hiểu được cấu trúc di truyền của coronavirus một cách nhanh chóng.

“Để phát triển một bộ kit xét nghiệm trong một thời gian ngắn như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có AI”, ông Tai-Myoung Chung, Giáo sư tại Đại học Sungkyunkwan (SKKU) cho biết.

Hơn nữa, AI còn cho phép sàng lọc, chẩn đoán chính xác và nhanh chóng xác định khả năng mắc bệnh. Ứng dụng chính của AI là dựa trên dữ liệu chụp X-quang ngực để xác định các triệu chứng từ coronavirus trong vài giây. AI còn được sử dụng để phân loại bệnh nhân thành bốn loại: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng.

Công cụ hỗ trợ phân tích hình ảnh chụp X-quang ngực dựa trên AI của công ty VUNO Hàn Quốc sử dụng một thuật toán để xác định các điểm bất thường trên ảnh chụp X-quang, phân loại bệnh nhân nào cần chăm sóc tích cực bằng cách phân tích hình ảnh X quang và có thể kiểm tra phổi chỉ trong vòng 3 giây.

JLK Inspection, một công ty công nghệ hàn đầu của Hàn Quốc về giải pháp AI, Big Data trong lĩnh vực y tế cụ thể là chuẩn đoán, xét nghiệm, qua nhiều nghiên cứu đã phát triển một nền tảng chuẩn đoán y tế “tất cả trong một” –  AiHub để chẩn đoán bệnh, theo đó, sử dụng công nghệ AI tiên tiến nhất thế giới và công nghệ Big Data trong các thiết bị chuẩn đoán bệnh bằng hình ảnh. Nó cũng có thể kiểm tra bệnh phổi trong vài giây thông qua AI, và hiện tại đã được triển khai tại nhiều bệnh viện tại Hàn Quốc. Công ty cũng đã sản xuất một thiết bị chụp X-quang ngực cầm tay dựa trên AI, có thể quét vùng ngực chỉ trong ba giây và đưa ra một bản đồ trực quan về những tổn thương bất thường.

Với nguồn dữ liệu lớn, kết hợp với AI, theo The Daily Star, phân tích dữ liệu AI còn hỗ trợ thông báo cho chính phủ Hàn Quốc về các ổ dịch có thể bùng phát tương tự các khu vực có rủi ro cao nhất, do đó cho phép các dịch vụ y tế kịp thời và huy động phát triển những giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trong các khu vực đó.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thực hiện những quy định và thiết kế quy trình dựa trên AI để đảm bảo cung cấp và phân phối khẩu trang và các mặt hàng bảo hộ khác. Theo đó, mỗi người phải sử dụng thẻ căn cước của mình để mua hai khẩu trang tại các cửa hàng thuốc gần đó. Nhờ vào sự sẵn có của dữ liệu đã cho phép Hàn Quốc đưa ra các quyết định hoặc chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhanh chóng cho công tác phòng dịch.

Trường hợp của Hàn Quốc được coi là bài học của nhiều quốc gia ở thời điểm hiện tại – đặc biệt là các nước phát triển về khoa học công nghệ, khoa học dữ liệu – trong việc khai thác Big Data và ứng dụng AI trong đối phó với Covid – 19.

Còn Trung Quốc thì như thế nào? Dưới đây là một số ví dụ điển hình.

Những Camera giám sát, Drone – máy bay không người lái tại Trung Quốc bỗng trở nên hữu ích ở quốc gia này khi đối phó với Covid-19. Máy quét thân nhiệt được lắp đặt trong tất cả các nhà ga, sân bay để phát hiện các cá nhân có nhiệt độ cơ thể tăng cao – là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiễm virus Corona. Trung Quốc có hàng triệu camera an ninh được sử dụng để theo dõi những hoạt động của người dân mục đích ban đầu là phát hiện tội phạm – đây cũng từng là vấn đề gây tranh cãi về vấn đề quyền riêng tư, tự do cá nhân – đã giúp các nhà chức trách phát hiện ra những người không tuân thủ các lệnh cách ly. Dữ liệu điện thoại di động cũng được sử dụng để theo dõi đồng thời.

Nếu bạn có theo dõi từng bản tin về Covid – 19 trên các kênh VTV, chắc cũng đã biết về trường hợp máy bay không người lái cảnh báo một phụ nữ lớn tuổi khi người này không đeo khẩu trang khi ra đường, và khuyên bà ở nhà, rửa tay thường xuyên. Thực sự thú vị, nó giống trong một bộ phim nói về tương lai khi sự xuất hiện của robot kiểm soát sự sống của con người.

Nguồn hình Global Times

Thực chất đây là Máy bay không người lái có gắn camera giám sát và loa để đưa ra thông điệp từ các cảnh sát điều khiển máy bay từ xa để cảnh báo từng người dân những ai không đeo khẩu trang, khuyên họ về nhà. Ban đầu chưa sử dụng đến công nghệ AI cho đến khi các Robot tại một quảng trường công cộng tại Quảng Châu đã được triển khai để “mắng”, “cảnh báo” những người qua đường không đeo khẩu trang.

Máy ảnh nhận dạng khuôn mặt được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, báo cáo Aljazeera: ước tính 350 triệu thiết bị giám sát được sử dụng tại các sân bay, nhà ga tàu điện ngầm và trên đường phố. Các công nghệ mới – bao gồm máy quét nhiệt độ hồng ngoại được sử dụng để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus – cho phép các cơ quan chức năng theo dõi, lưu trữ và phân tích lịch sử du lịch của người dân cũng như tình trạng y tế của họ.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển một ứng dụng Cảnh báo cho người dùng nếu họ tiếp xúc gần với người nhiễm vi-rút. Dữ liệu đi du lịch của người dân và khách nước ngoài được cung cấp bởi các công ty dịch vụ viễn thông có thể liệt kê tất cả các thành phố mà cá nhân đã đến trong 14 ngày qua để xác định xem có nên cách ly hay không dựa trên địa điểm của họ có phải là vùng dịch hay không. Bằng cách tích hợp dữ liệu từ các hệ thống giám sát, Trung Quốc có thể tìm ra cách chống lại sự lây lan của coronavirus.

Tại Bắc Kinh, một ủy ban khu phố chịu trách nhiệm quản lý một khu chung cư gồm khoảng 2.400 hộ gia đình cho biết họ đã sử dụng dữ liệu di chuyển bằng chuyến bay và xe lửa để theo dõi hồ sơ lộ trình du lịch gần đây của mọi người để đưa ra các biện pháp cách ly nếu có.

Một số công ty công nghệ Trung Quốc đã phát triển các ứng dụng để giúp mọi người kiểm tra xem họ có đi cùng chuyến bay hoặc đào tạo như bệnh nhân vi rút đã được xác nhận hay không, lấy dữ liệu từ các danh sách được công bố bởi kênh truyền thông nhà nước.

Công ty SenseTime của Trung Quốc đã phát triển một nền tảng quét mọi người khuôn mặt ngay cả khi họ đeo khẩu trang, trong khi đó, Alibaba đã phát triển một hệ thống chẩn đoán coronavirus dựa trên nền tảng AI mới.

Các phần mềm “đo nhiệt độ không tiếp xúc” của Sensetime đã được triển khai tại các ga tàu điện ngầm, trường học và trung tâm công cộng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Trong khi đó, Alibaba đã phát triển một hệ thống chẩn đoán mới cho Covid-19 dựa trên trí thông minh nhân tạo cho phép phát hiện các trường hợp coronavirus mới với tỷ lệ chính xác lên tới 96% bằng phương pháp quét ảnh chụp cắt lớp vi tính (ví dụ, chụp CT).

Nguồn hình Sensetime

Cũng tại Bắc Kinh Tại Bắc Kinh, một hệ thống đo nhiệt mới được phát triển bởi Baidu Trung Quốc, sàng lọc khách du lịch tại một nhà ga ở tỉnh Thanh Hải bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và hồng ngoại, tự động chụp ảnh khuôn mặt của mỗi người. Nếu ai đó có nhiệt độ cơ thể từ 37,3 độ C trở lên, hệ thống sẽ cảnh báo nhân viên tại nhà ga để kiểm tra.

Nguồn hình AFP

Ngoài ra ngay cả khi tình hình dịch bệnh tạm lắng xuống, Trung Quốc vẫn không chủ quan mà đẩy mạnh hơn nữa kiểm soát hoạt động người dân, đảm bảo khả năng kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh. Alibaba đã phát triển một ứng dụng (Mã y tế Alipay – Alipay Health Code), sử dụng dữ liệu lớn từ hệ thống chăm sóc sức khỏe Trung Quốc cung cấp, cho biết cá nhân nào có thể hoặc không thể tư do di chuyển ở ngoài cộng đồng dựa vào tình trạng sức khỏe, đánh giá theo 3 bậc Xanh, Đỏ, Vàng.

Người dân đăng ký sử dụng Alipay sẽ được gán cho một mã màu – xanh lá cây, vàng hoặc đỏ – tương ứng với tình trạng sức khỏe. Các nhà phát triển Alipay Health Code cho biết họ dùng Big Data để đưa ra kết luận tự động về việc ai đó có nguy cơ truyên nhiễm hay không. Sau khi người dùng điền thông tin trên Alipay, phần mềm tạo một mã QR với ba màu. Màu xanh lá cây cho phép họ đi lại thoải mái, màu vàng yêu cầu họ phải ở nhà trong 7 ngày, màu đỏ đồng nghĩa cách ly 2 tuần. Khi muốn di chuyển khỏi nơi cư trú, hay ở nơi công cộng người dân phải trình mã ra cho lực lượng chức năng. Ứng dụng lần đầu được giới thiệu ở Hàng Châu.

Nguồn hình Shanghaieye

Trung Quốc ban đầu là ổ dịch lớn nhất thế giới, nhưng hiện tại đã gần như kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh chỉ dừng lại ở gần 83000 ca nhiễm và 4633 tử vong, con số thấp hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ (trên 1.5 triệu ca), Nga (trên 280000 ca) và các nước châu Âu như hiện nay. Lần nữa thấy được tầm quan trọng và lợi ích của Big Data và AI là như thế nào trong việc đối phó với Covid – 19

Vì bài viết có hạn nên BigDataUni không thể trình bày các trường hợp sau chi tiết như Hàn Quốc, Trung Quốc nên chúng ta cùng đi qua một cách tóm tắt các ứng dụng AI và Big Data để đối phó Covid – 19 tại những quốc gia khác:

Các quốc gia trong GCC (Gulf Cooperation Council) tạm dịch Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đang đẩy mạnh việc sử dụng AI để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch coronavirus. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số trường hợp nhiễm Covid-19 trong khu vực này đã hơn 2 triệu ca

Các chính phủ các quốc gia thuộc nhóm GCC – một nhóm các quốc gia ở Trung Đông bao gồm Bahrain, Ả Rập Saudi, Qatar, Oman, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – đã ban hành một số biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, bao gồm đình chỉ các chuyến bay chở khách và áp dụng lệnh giới nghiêm đối với công dân của mình. Dưới đây là một số ví dụ.

Tương tự như Hàn Quốc, và phần mềm Bluezone ở nước ta, ở Bahrain, một ứng dụng có tên ‘BeAware’, cảnh báo người dùng nếu họ tiếp xúc gần với ai đó nhiễm Covid-19, nếu họ đang ở khu vực từng có người nhiễm bệnh, theo dõi người bị cách ly, cảnh báo cơ quan y tế nếu họ di chuyển đi nơi khác trong vòng 14 ngày, hay không tuân thủ cách ly, theo dõi những trường hợp đang  nhiễm bệnh.

“Đăng ký ứng dụng BeAware là bắt buộc đối với những người bị cách ly, trong khi các trường hợp không được cách ly có thể không bắt buộc” theo ông Mohammed Ali AlQaed, giám đốc điều hành của Cơ quan Thông tin & Chính phủ điện tử của Bahrain.

Phát ngôn viên của Chính phủ Qatar hồi giữa tháng 4 thông báo Chính phủ đang làm việc với Viện nghiên cứu máy tính Qatar (Qatar Computing Research Institute) phát triển một ứng dụng theo dõi, chẩn đoán khả năng nhiễm bệnh, kết nối với cơ sở dữ liệu y tế, kết hợp sử dụng các dịch vụ điện toán và định vị địa lý để giúp chẩn đoán và theo dõi các trường hợp Covid-19.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chính phủ đang sử dụng AI để hạn chế sự di chuyển của cư dân Dubai, là thành phố đông dân nhất tại quốc gia này.  Cảnh sát Dubai đang theo dõi giấy phép theo yêu cầu của người dân rời khỏi nhà của họ trong trung tâm thương mại của khu vực.

Cảnh sát Dubai sử dụng một chương trình có tên ‘Oyoon’ (nghĩa là đôi mắt trong tiếng Ả Rập), thông qua một mạng lưới các camera trong thành phố sử dụng AI nhận dạng khuôn mặt, giọng nói và biển số xe. Thông tin được cung cấp thông qua một cơ sở dữ liệu lớn và hệ thống máy tính có thể tham chiếu chéo và phân tích dữ liệu để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh phong tỏa của nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế UAE đã phát triển ứng dụng TraceCovid để theo dõi những cá nhân tiếp xúc gần gũi với những người sau đó được chẩn đoán mắc COVID-19.

Một số quốc gia khác như, Israel đang sử dụng dữ liệu điện thoại di động để theo dõi di chuyển, kiểm soát những người đã thử nghiệm dương tính với virus và để xác định những người cần được cách ly khi tiếp xúc với những trường hợp nhiễm bệnh.

Ngoài ra, trên khắp Bangladesh, chính phủ đã triển khai một quy trình thiết lập bản đồ kỹ thuật số (digital mapping) để theo dõi các trường hợp nhiễm coronavirus và tìm ra các khu vực dễ bị lây nhiễm bằng cách sử dụng thông tin của người dùng di động để có được bức tranh tổng thể về khả năng bùng phát dịch. Theo phương pháp tự báo cáo sức khỏe, người dùng di động sẽ nhận được một tin nhắn ngắn (SMS) và trả lời cụ thể phải sẽ chia sẻ một số thông tin về sức khỏe của mình.

Một trong những quốc gia khác đã khai thác hiệu quả các phân tích dữ liệu lớn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đó chính là Đài Loan. Các quan chức Đài Loan đã tiến hành lập bản đồ chi tiết về những người bị nhiễm bệnh và từ đâu họ bị nhiễm bệnh. Sau đó tích hợp cơ sở dữ liệu Y tế Quốc gia với cơ sở dữ liệu nhập cư và hải quan Chính phủ Đài Loan có thể theo dõi lịch sử du lịch 14 ngày và các triệu chứng mắc bệnh của công dân. Hơn nữa, khách du lịch quốc tế được yêu cầu quét mã QR để chuyển hướng họ đến trang khai báo sức khỏe trực tuyến, mục đích yêu cầu họ cung cấp thông tin liên lạc và các triệu chứng.

Gần đây tại Bỉ, Dalberg Data Insights, một trong những tổ chức được Chính phủ Bỉ ủy nhiệm dẫn đầu đội ngũ chuyên gia sử dụng phân tích dữ liệu để chống lại Covid-19, đã tiến hành phân tích dữ liệu viễn thông từ ba công ty viễn thông lớn trong nước. Mục tiêu chính là tìm hiểu xu hướng di chuyển của người dân trong khi tuân thủ các biện pháp cách ly, phong tỏa của Chính phủ và đánh giá nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở một khu vực cụ thể. Nhìn chung ở Bỉ, tình hình di chuyển của người dân đã giảm với mức trung bình 54%. Các đội ứng phó khủng hoảng ở Bỉ có thể tham khảo những phân tích này để đưa ra các biện pháp hành động, biện pháp áp đặt đối với người dân nhanh chóng và xác định nguy cơ bùng phát virus đối với những trường hợp người dân nhập tư từ quốc gia khác có thể là vùng dịch.

Một công ty tại Canada, BlueDot, sử dụng hàng tấn dữ liệu để đánh giá rủi ro, tình hình sức khỏe cộng đồng. Sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) và học máy (Machine Learning), để quét và phân tích khoảng 100.000 bài báo bằng 65 ngôn ngữ hàng ngày để theo dõi hơn 100 bệnh truyền nhiễm. Đây là tổ chức đầu tiên – trước Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ – để thông báo về sự bùng phát của coronavirus, vào tháng 12 năm 2019. Để dự đoán sự lây lan của bệnh, họ cũng sử dụng dữ liệu như thông tin về hành trình du lịch, dữ liệu từ phương tiện truyền thông xã hội và tin tức.

Như vậy đến đây chúng tôi xin kết thúc phần 2 chủ đề tác động Covid – 19 lên Data science tại đây. Ở phần 3, phần cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp những ứng dụng Data science trong việc đối phó với Covid – 19 ở phạm vi các công ty, tổ chức thuộc lĩnh vực công nghệ, khoa học dữ liệu, và các tổ chức quốc tế. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ BigDataUni.

Về chúng tôi, công ty BigDataUni với chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác dữ liệu sẵn sàng hỗ trợ các công ty đối tác trong việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu một cách hợp lý, tối ưu nhất để hỗ trợ cho việc phân tích, khai thác dữ liệu và đưa ra các giải pháp. Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm “Tư vấn và xây dựng hệ thống dữ liệu”, “Khai thác dữ liệu dựa trên các mô hình thuật toán”, “Xây dựng các chiến lược phát triển thị trường, chiến lược cạnh tranh”.

Tài liệu tham khảo

https://www.eu-robotics.net/eurobotics/newsroom/press/robots-against-covid-19.html

https://timesofindia.indiatimes.com/city/delhi/aiims-to-use-robots-for-minimal-contact/articleshow/75282440.cms

error: Content is protected !!