Data analytics trong năm 2020 (P.2)

Bigdatauni.com Follow Fanpage Contact

Quay trở lại chủ đề bài viết Data analytics trong năm 2020, ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu một vài số liệu về thị trường theo các báo cáo của nhũng công ty nghiên cứu, và cùng bàn luận về kết quả khảo sát từ báo cáo State of Data science 2020 của công ty Anaconda.

Tiếp tục phần 2, BigDataUni và các bạn sẽ đi qua các báo cáo khác để thấy rõ hơn tầm quan trọng ứng dụng Data analytics, tình hình khai thác tài sản dữ liệu trong lĩnh vực kinh doanh năm 2020, một năm đáng quên do Covid-19 và bàn luận về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam triển khai chuyển đổi số.

Năm 2020, hầu hết những người đứng đầu các công ty, tổ chức trên toàn cầu đều nhận thấy ngành công nghiệp bị kìm hàm phát triển do sự lan rộng của Covid-19 đã ảnh hưởng đến ngân sách, chiến lược, quy trình, và nhiều khía cạnh khác nữa. Khi đại dịch không biết khi nào mới kết thúc, thậm chí các nước mới vừa phát hiện biến thể mới của virus Corona có tốc độ lây lan hơn 70% so với chủng cũ, các nhà lãnh đạo đã thừa nhận rằng dữ liệu đóng vai trò là nguồn tài nguyên thiết yếu, cấp bách, quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại và kể cả trong tương lai, là công cụ để giúp các tổ chức khôi phục và tăng trưởng trở lại sau Covid-19 hoặc bất kể khủng hoảng nào khác.

Teradata, tổ chức hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp dữ liệu, cuối tháng 10 vừa qua đã tiến hành mở cuộc khảo sát trên toàn cầu mục đích tìm hiểu nhằm mục đích tiết lộ cách các nhà lãnh đạo ở một số quốc gia đang thay đổi cách họ nghĩ về dữ liệu – niềm tin của họ vào dữ liệu, vai trò của dữ liệu trong việc khôi phục sau đại dịch và tầm quan trọng của dữ liệu đối với chiến lược kinh doanh tổng thể. (Những người được khảo sát là các lãnh đạo, chịu trách nhiệm ra quyết định trong bộ phận IT đến từ các tổ chức lớn quy mô hơn 1000 nhân viên và doanh thu toàn cầu mỗi năm 250 triệu USD)

Trust in Data – Niềm tin vào dữ liệu

Các tổ thức khác nhau trên toàn thế giới cạnh tranh lẫn nhau, chạy đua trong việc đưa ra các giải pháp dữ liệu để hiểu và theo dõi sự lây lan của Covid-19 đã dẫn đến những lỗ hổng dữ liệu quan trọng, bao gồm cả kết quả, thông tin không chính xác và kết luận rút ra không phù hợp. Những dữ liệu không mang tính thuyết phục, thiếu minh bạch, bị hiểu nhầm và thậm chí bị lạm dụng quá mức, xuất hiện rất nhiều không thể kiểm soát được.

Điển hình là trường hợp tại Vũ Hán, Trung Quốc, số liệu thực tế về số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 có thể cao gấp 10 lần số liệu công bố. Có rất nhiều nghi vấn, thuyết âm mưu được đặt ra nhưng sau cùng vẫn là lời phủ nhận từ các nhà cầm quyền tại thành phố.

Những vấn đề này cuối cùng đã làm gia tăng sự hoài nghi về độ tin cậy của dữ liệu trong các công ty. Ví dụ họ nghi ngờ kết quả phân tích dữ liệu không chính xác có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng hơn nếu ứng dụng vào thực tế trong khi giai đoạn hiện tại cần kiểm soát chi phí hiệu quả.

Theo kết quả khảo sát:

  • 77% các nhà lãnh đạo những công ty được khảo sát cho biết độ chính xác của dữ liệu họ thu thập đang được giám sát chặt chẽ hơn trong tổ chức, do cách dữ liệu liên quan đến Covid-19 được sử dụng đang mang lại nhiều vấn đề như đã nói ở trên.
  • Trong số các công ty từ Trung Quốc, với 93%, lo ngại nhất về độ chính xác của dữ liệu họ phân tích, tiếp theo là Đức 80% và Mỹ 77%.
  • Trong khi 53% các nhà lãnh đạo được khảo sát nhìn chung thừa nhận sự tin tưởng vào dữ liệu bị thách thức bởi các vấn đề liên quan đến khai thác dữ liệu dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, so sánh giữa các công ty ở Mỹ và Anh thì có sự chênh lệch đáng kể. 60% các lãnh đạo từ Mỹ thừa nhận điều tương tự, ở Anh là 28%.
  • Gần một nửa (47%) các nhà lãnh đạo thừa nhận việc ra quyết định kinh doanh đang bị cản trở trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 do thiếu các giải pháp nền tảng Đám mây hỗ trợ kịp thời (lack of Cloud presence), tỷ lệ này là 66% ở Trung Quốc.

Data is a Key to Recovery – Dữ liệu là chìa khóa để khôi phục

Mặc dù trong nhiều trường hợp, những sai sót về dữ liệu cộng đồng được công khai và yêu cầu giám sát kỹ lưỡng đã làm tăng thách thức xung quanh việc sử dụng dữ liệu trong công ty, nhưng các nhà lãnh đạo cuối cùng đã nhận ra vai trò quan trọng của dữ liệu, có thể mở rộng thu thập khai thác những dữ liệu đáng tin cậy hơn, nhờ vào những công nghệ hỗ trợ trong việc khôi phục hoạt động kinh doanh.

Lợi ích đạt được từ dữ liệu điển hình trước tiên là cho phép các công ty hiểu một cách toàn diện hơn về bối cảnh kinh doanh đang thay đổi để đưa ra các dự báo chính xác về nhu cầu của khách hàng sẽ thay đổi như thế nào. Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, khi hành vi tiêu dùng của người dân ở các quốc gia đang thay đổi 360 độ thì việc nắm bắt tâm lý mua hàng là rất quan trọng

Kết quả khảo sát cho thấy:

  • 82% các nhà lãnh đạo được khảo sát hiện đang đẩy nhanh các quyết định chuyển dữ liệu và các chức năng kinh doanh chính lên nền tảng đám mây do tác động trực tiếp của đại dịch.
  • Theo khoảng 9 trên 10 (91%) người được khảo sát, tầm quan trọng của dữ liệu trong các tổ chức đã tăng vọt kể từ khi Covid-19 lan mạnh.
  • Trong số năm quốc gia được khảo sát, các lãnh đạo từ Trung Quốc cho rằng tổ chức của họ đang tập trung vào khai thác lợi ích của nền tảng đám mây, với 99% người được khảo sát xác nhận kế hoạch xúc tiến việc chuyển sang nền tảng đám mây, trong khi 59% những lãnh đạo ở Anh tỏ ra hoài nghi về năng lực hỗ trợ của nền tảng đám mây.

Data Is Strategic to Our Future – Dữ liệu là chiến lược đối với tương lai.

Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn trong toàn bộ các hoạt động kinh doanh và các nhà lãnh đạo nhận thấy rằng dữ liệu, công nghệ thông tin có thể giúp tổ chức của họ hồi phục mạnh mẽ trong trương lai.

Trong nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng, cũng như dự đoán và chuẩn bị cho những khủng hoảng khác trong tương lai, các nhà lãnh đạo đã thay đổi ý tưởng về dữ liệu từ “chỉ là một giải pháp công nghệ khác” mà trở thành một tài sản cốt lõi, chiến lược và ưu tiên trong kinh doanh, nhận thức rằng dữ liệu là cốt lõi đối với mọi hoạt động. Ví dụ: đảm bảo dữ liệu có thể truy cập dễ dàng giữa các phòng ban và dữ liệu đó luôn là trung tâm giải thích “lý do” cho bất kỳ quyết định kinh doanh nào được đưa ra.

Kết quả khảo sát cho thấy:

  • 88% giám đốc điều hành xem dữ liệu là tài sản chiến lược đối với doanh nghiệp của họ, trong khi 94% đồng ý dữ liệu là tài sản thiết yếu và quan trọng hơn, là chìa khóa để khôi phục và con đường tiến lên phía trước.
  • Khi được hỏi rằng dữ liệu sẽ cung cấp thông tin cho các nỗ lực hồi phục trong tương lai không thì gần như tất cả lãnh đạo được khảo sát đều nhất trí với quan điểm, trong đó 100% các lãnh đạo đến từ các công ty tại Trung Quốc ủng hộ dữ liệu sẽ là công cụ mạnh nhất và đóng vai trò lớn nhất trong việc khôi phục, tiếp theo là Mỹ 97%, Đức và Nhật Bản với 93% và sau đó là Pháp và Vương quốc Anh là 92%.

Báo cáo của Teradata cho thấy một điều các tổ chức kinh doanh lớn vẫn còn lo ngại mức độ chính xác của dữ liệu và phân tích khi còn nhiều các vấn đề phát sinh từ quá trình tracking dữ liệu Covid-19 ở khu vực công tại các quốc gia trong đó dữ liệu không chính xác, thiếu hợp lý, minh bạch là đáng quan tâm nhất.

Vì thế yêu cầu trong đảm bảo chất lượng dữ liệu, xem xét kỹ lượng dữ liệu thu thập được đẩy lên cao hơn so với trước đây. Giải quyết các thách thức, dự báo, xác định các vấn đề liên quan đến mức độ tin cậy của dữ liệu là ưu tiên hàng đầu.

Theo Teradata, sau khi Covid-19 qua đi, các doanh nghiệp cần coi dữ liệu cao ngang tầm như doanh thu, trải nghiệm khách hàng và lợi nhuận, để đảm bảo tổ chức của mình được “trang bị vũ khí” tốt nhất cho bất cứ khủng hoảng khác xảy đến năm trong 2021 và trở đi. Các công ty có tâm lý coi trọng dữ liệu sẽ không chỉ dừng lại ở việc phục hồi; họ còn có cơ hội xây dựng tầm nhìn xa hơn trong tương lai.

Khai thác dữ liệu mọi lúc sẽ giúp họ có được những insight hữu ích về thị trường, về khách hàng, về đối thủ, về ngành, lĩnh vực hoạt động. Từ đó tạo tiền đề cho những ý tưởng mới, sáng tạo, những nguồn lợi nhuận mới chưa được biết đến. Các công ty nên coi dữ liệu là để tăng trưởng và phát triển hơn là để hồi phục. Với suy nghĩ đó, dữ liệu sẽ không chỉ là một thành phần quan trọng của hoạt động kinh doanh như bình thường, nó có thể sẽ trở thành tài sản quan trọng nhất.

Nếu nói đến quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, từ các lĩnh vực y tế, xã hội, đến các ngành công nghiệp thì Mỹ hay Hoa Kỳ sẽ được nhắc đến đầu tiên, với số ca nhiễm bệnh gần 19.5 triệu người và hơn 350 ngàn ca tử vòng trong năm vừa qua. Rất nhiều các công ty đặc biệt là trong ngành bán lẻ, F&B,… đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng và thậm chí tuyên bố phá sản.

Vì thế để tìm hiểu liệu dữ liệu hay phân tích dữ liệu có giúp ích các công ty, doanh nghiệp trong việc vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng trở lại hay không thì khảo sát các công ty tại Mỹ có lẽ chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác hơn.

Sisense, công ty chuyên cung cấp giải pháp Business Intelligence, Data analytics, bạn nào sử dụng phần mềm BI Sisense có lẽ sẽ biết đến.

Tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ, Sisense đã tiến hành khảo sát 500 chuyên gia lĩnh vực dữ liệu và giám đốc điều hành từ các công ty thuộc những lĩnh vực khác nhau để tìm hiểu xem họ sử dụng dữ liệu như thế nào, đúc kết thành báo cáo State of BI & Analytics Report 2020

Các kết quả khảo sát cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Chúng cho thấy mức độ quan trọng của phân tích đối với doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng, chứng minh rằng các doanh nghiệp nhỏ đang dẫn đầu trong việc sử dụng Data analytics. Báo cáo còn cho biết những ngành công nghiệp mới nào đã tăng cường sử dụng phân tích dữ liệu thời kỳ Covid-19

Quan trọng nhất, trong báo cáo, các chuyên gia dữ liệu vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh của họ, về tầm quan trọng của phân tích nói chung và có nhiều cơ hội để tận dụng dữ liệu, bất chấp những thách thức hiện tại.

Theo kết quả khảo sát:

1. Các chuyên gia phân tích và BI vẫn lạc quan: 49% trong số những người được khảo sát cho biết phân tích quan trọng hơn nhiều so với trước Covid-19. Các công ty báo cáo sự gia tăng sử dụng phân tích dữ liệu ở hầu hết các phòng ban.

2. Các doanh nghiệp nhỏ dẫn đầu: đối mặt với những thách thức kinh doanh khác nhau, các công ty nhỏ hơn chuyển sang áp dụng phân tích dữ liệu để đối phó với khủng hoảng. Họ dẫn đầu các doanh nghiệp lớn hơn trong việc sử dụng phân tích trên mọi bộ phận với 68% doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ sử dụng phân tích trong các quy trình vận hành, 56% trong bộ phận Tài chính, 50% trong Bán hàng và 45% trong phát triển Sản phẩm.

3. Các công ty đang sử dụng dữ liệu của họ theo những cách mới: 55% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát đã bắt đầu sử dụng dữ liệu để cải thiện hiệu quả hoạt động, 47% để hỗ trợ khách hàng và 45% để dự đoán kết quả trong tương lai. Các công ty lớn hơn tập trung vào việc cắt giảm chi phí hơn các doanh nghiệp nhỏ, những công ty này tập trung hơn vào hiệu quả và hỗ trợ khách hàng.

Phân tích dữ liệu

50% các chuyên gia, giám đốc được khảo sát cho rằng mức độ quan tâm đến các nguồn dữ liệu, ứng dụng phân tích, dashboard tóm tắt và trực quan hóa dữ liệu của họ và các đối tác, khách hàng là nhiều hơn và hơn rất nhiều so với trước Covid-19

Tuy nhiên chỉ có 52% các công ty Mỹ được khảo sát cho rằng họ có đủ nguồn lực để tìm ra được những insight giá trị, quan trọng và cần thiết trong giai đoạn này khi triển khai phân tích dữ liệu.

Đầu tư vào những ý tưởng, chiến lược mới cho nền tảng phân tích, và BI trong tổ chức thì có 55% cho rằng vẫn duy trì, chỉ có 10% là gia tăng vốn đầu tư, 14% là cắt giảm.

Theo Sisense, các công ty Mỹ không dừng chân tại chỗ, mà họ luôn tìm kiếm giải pháp mới hay nâng cao năng suất, năng lực phân tích, trong đó các công nghệ nền tảng đám mây được quan tâm hàng đầu.

Cơ hội kinh doanh mới:

Bất chấp những thách thức của môi trường hiện tại, 46% các chuyên gia và giám đốc điều hành được khảo sát đã báo cáo các cơ hội kinh doanh mới từ khi áp dụng phân tích dữ liệu.

Gia tăng sự quan tâm đến dữ liệu: 34% có ý định tăng cường đầu tư vào tài nguyên dữ liệu và các công cụ phân tích dữ liệu.

Sự quan tâm ngày càng tăng của tổ chức đối với dữ liệu cho thấy rằng các tổ chức coi trọng công việc của các bộ phận, chức năng liên quan đến dữ liệu, nhận ra nhu cầu về các trường hợp sử dụng dữ liệu mở rộng quy mô trong những tháng tới và có thể xem xét mở rộng đầu tư trong tương lai.

Cơ hội kinh doanh mới: 28% cho rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau Covid-19 sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới. Sự quan tâm ngày càng tăng của họ đối với các công cụ phân tích dữ liệu vẫn là một cách để nắm bắt những cơ hội mới này.

Theo Sisense các ngành tập trung lại hoạt động kinh doanh của họ: các công ty thuộc lĩnh vực Y tế, Du lịch, tổ chức Chính phủ và Công nghiệp, Sản xuất đều sử dụng phân tích dữ liệu như một cơ hội để thiết lập lại các mô hình kinh doanh

Các doanh nghiệp nhỏ từ 10 đến 200 nhân viên tại Mỹ dẫn đầu trong ứng dụng phân tích dữ liệu

Trong các doanh nghiệp nhỏ từ 51-200 nhân viên thì tỷ lệ các bộ phận sử dụng phân tích dữ liệu thì 68% doanh nghiệp có bộ phận vận hành ứng dụng phân tích dữ liệu, bộ phần tài chính là 56%, bộ phận bán hàng 50%, bộ phận phát triển 45%

Trong khi các doanh nghiệp lớn phải vật lộn để duy trì sự linh hoạt đầu tư với nhiều giải pháp phân tích, BI và các giải pháp tối ưu nguồn dữ liệu, ngược lại nhiều công ty nhỏ đã tập trung phát triển với cơ sở hạ tầng đám mây, tập trung đầu tự một giải pháp BI duy nhất.

Và trong khi việc sử dụng phân tích dữ liệu ngày càng tăng thì ở tất cả các phòng ban, các bộ phận Tiếp thị, Tài chính và Hỗ trợ khách hàng – những phòng ban bị tác động trực tiếp bởi Covid-19, tập trung đẩy mạnh phân tích dữ liệu nhất.

Theo Sisense nghiên cứu, họ thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa việc đẩy mạnh ứng dụng phân tích dữ liệu trong các phòng ban này với những loại vấn đề mà tổ chức đang đối mặt do Covid-19.

Dữ liệu giúp các công ty Mỹ vượt qua những thách thức mới:

Trong số các ứng dụng của phân tích dữ liệu trong thời kỳ Covid-19, thì Improving efficiency hay cải thiện hiệu suất là được các công ty Mỹ đánh giá cao nhất. Do các biện pháp cách ly xã hội, các kênh bán hàng, kênh cung cấp dịch vụ đều bị ảnh hưởng, kể cả giao thương, sản xuất, nên việc điều chỉnh lại các quy trình vận hành là cực kỳ cần thiết. Dữ liệu giúp kiểm soát tốt hơn các hoạt động ở các phòng ban chức năng, cho phép đánh giá nhanh chóng tình hình. Hơn nữa xu hướng “work from home” đặt ra thách thức lớn trong duy trì hay nâng cao năng suất làm việc.

Mặc dù không biết cụ thể, ứng dụng Data analytisc hay BI trong cải thiện hiệu suất là như thế nào nhưng có thể đảm bảo một điều thông qua dữ liệu, các lãnh đạo có thể nắm bắt toàn cảnh doanh nghiệp của mình.

Sau cải thiện năng suất, thì chăm sóc khách hàng cũng được ứng dụng data analytics rất nhiều, đặc biệt khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, thì các hoạt động sales, marketing trong đó customer relationship management (CRM) là ưu tiên hàng đầu. Phân tích dữ liệu mạng xã hội, dữ liệu từ các kênh truyền để nắm bắt các vấn đề khách hàng gặp phải và nhanh chóng xử lý. Thị trường mua sắm online tại Mỹ từ lâu đã cạnh tranh rất khốc liệt, cộng thêm tình hình Covid-19 thì càng gay gắt hơn. Tăng trải nghiệm khách hàng, thỏa mãn nhu cầu khách hành vì thế rất quan trọng.

Đứng thứ 3 là dự báo những thay đổi và kết quả kinh doanh trong tương lai. Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, nếu chỉ bị động phản ứng hay đối phó với khủng hoảng thì rất khó để hồi phục nhanh chóng thay vì chủ động đưa ra trước các dự báo và kế hoạch hành động. Các doanh nghiệp lớn quy mô từ 200 đến 1000 nhân viên tập trung ứng dụng phân tích dữ liệu vào dự báo.

Đối với các tổ chức lớn từ 5000 nhân viên trở lên họ tập trung ứng dụng phân tích dữ liệu vào cắt giảm đầu tư, chi phí phát sinh (Reducing expenses) để chống lại sự suy giảm doanh thu, hơn nữa tránh sự sụp đổ toàn hệ thống. Qua đây cho thấy các doanh nghiệp lớn chịu áp lực nhiều hơn so với doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung bình.

Tiếp theo, nền tảng đám mây là công nghệ được các công ty Mỹ hướng đến khi triển khai phân tích dữ liệu. Khảo sát chung với những ứng dụng nào tập trung sử dụng nền tảng đám mây nhất.

Kết quả cho thấy phân tích sản phẩm, cắt giảm chi phí, và giám sát các hoạt động bán hàng là cần đến nền tảng đám mây nhất.

Cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách đầu tư công nghệ, Gartner dự đoán chi tiêu cho CNTT sẽ giảm 300 tỷ USD và IDC dự đoán ngân sách đầu tư công nghệ sẽ giảm 5,1% vào năm 2020.

Các lĩnh vực, ngành nghề thay đổi chi tiêu đầu tư vào phân tích dữ liệu:

Khu vực công, tổ chức Chính phủ và các công ty bán lẻ là tăng đầu tư vào phân tích dữ liệu trong bối cảnh Covid-19. Ngành du lịch, khách sạn, cắt giảm và không đầu tư thêm vào phân tích dữ liệu, lý do cũng dễ hiểu, đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19, khi khách hàng là người dân tại các quốc gia một phần phải tuân thủ giãn cách xã hội, một phần cũng lo ngại bị nhiễm bệnh. Ngành vận tải, xây dựng là 2 ngành duy trì đầu tư nhưng cũng không cắt giảm, hay tăng thêm.

Đánh giá chung, chúng ta thấy áp lực cắt giảm chi phí không tác động lên đầu tư phân tích dữ liệu, khi hầu hết các ngành tỷ lệ duy trì và tăng chi cho phân tích dữ liệu

Quyết định đầu tư thêm vào giải pháp BI, phân tích dữ liệu thì có 43% các chuyên gia, giám đốc điều hành hay các công ty được khảo sát cho rằng tổ chức mình duy trì đầu tư, đến 25% là cắt giảm, chỉ 13% là tăng.

Sau cùng là những thách thức các công ty Mỹ phải đối mặt

3 thách thức lớn nhất chính là quản lý nhân lực từ xa – quản lý hiệu suất làm việc tại nhà, sự bất ổn, không chắc chắn của thị trường, và khách hàng rời dịch v, bỏ công ty, các hợp đồng kinh doanh bị cắt giảm hay doanh thu bị ảnh hưởng.

Như vậy qua các báo cáo ở bài viết phần 1 và phần 2 chúng ta đã tìm hiểu tình hình ứng dụng Data analytics ở các công ty thị trường quốc tế. Quay về với đất nước ta, các doanh nghiệp trong nước thì như thế nào?

Tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam

Nếu nói đến Data analytics, thì thuật ngữ này chưa phổ biến, chưa nghe nhiều bằng từ Chuyển đổi số.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là thuật ngữ rộng hơn nhiều so với phân tích dữ liệu. Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo VnExpress, Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Chuyển đổi số là cơ sở để các công ty bắt đầu áp dụng phân tích dữ liệu vào những hoạt động kinh doanh. Do nhiều công ty, doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung bình tại nước ta vẫn còn làm việc theo lối cũ, không tự tin, không có nguồn lực, không có giải pháp trong việc tiếp cận và áp dụng những nền tảng công nghệ tiên tiến nên vẫn chưa thể nói Data analytics là một ngành hay xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng cũng không thể nói đây là một ngành hay xu hướng hoàn toàn mới.

Ở phần này, chúng ta chỉ tập trung nói về khía cạnh chuyển đổi số.

Các công ty lớn trong lĩnh vực kinh tế số (Digital economy) tại nước ta có lẽ là các tổ chức đi đầu trong chuyển đổi số. Vì tất cả quy trình, mô hình kinh doanh nòng cốt đều dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như “rồng được tháo xích” và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.

Theo VN Express, nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho biết, có đến 72% SME tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số, tăng đáng kể so với mức 32% năm 2019. Còn theo khảo sát HSBC Navigator công bố đầu tháng 12, 68% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh

Xu hướng người tiêu dùng ở nước shopping online với đủ loại sản phẩm, dịch vụ trong những năm gần đây đã gia tăng rất mạnh, tương quan thuận với tỷ lệ người sử dụng smartphone. Đặc biệt trong năm vừa qua, vì tác động của dịch Covid-19, xu hướng này không những duy trì và mạnh hơn trước.

Khi khách hàng của mình xuất hiện trên nền tảng số, nền tảng trực tuyến, họ không còn xuất hiện thường xuyên ở các cửa hàng truyền thống, thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi hướng đi của mình. Hơn nữa cùng với áp lực cạnh tranh, áp lực bắt kịp với các quốc gia trên thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp coi chuyển đổi số là chiến lược cần ưu tiên.

Một số ví dụ điển hình. Theo VN Express:

  • Ngành F&B, Tháng 11, QSR Việt Nam, đơn vị sở hữu một loạt thương hiệu F&B như Dairy Queen, Swensen‘s, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab hay Chan… hợp tác để Abeo Việt Nam tư vấn và triển khai giải pháp S/4HANA nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. “Mục tiêu cốt lõi trong 3 năm tới của QSR là có một nền tảng số để hỗ trợ, đẩy mạnh kênh giao hàng, chăm sóc khách hàng và quản trị dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả hơn”, bà Phạm Thị Hồng Vân, Phó tổng giám đốc QSR Việt Nam, tuyên bố.
  • Ở ngành tài chính, các ví điện tử có một năm bùng nổ lượng người dùng và giao dịch. Trong khi, các ngân hàng được phép thí điểm thì ra sức giới thiệu định danh điện tử (eKYC) – giải pháp được những người trong ngành tin là “chìa khóa mở cánh cửa cung cấp dịch vụ số cho các ngân hàng”.
  • Thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực phản chiếu rất rõ những thay đổi trong hành vi của người dùng và khả năng nắm bắt thời cơ lên “số hóa” của các doanh nghiệp. Trong những sự kiện khuyến mãi lớn gần đây như 10/10, 11/11, 12/12, nhiều sàn lớn đều báo cáo doanh số tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Dịp 12/12 mới đây, Tiki cho biết doanh số gấp 10 lần so với ngày thường và tăng 3,4 lần so với cùng kỳ 2019. Trên Shopee, một nhà bán hàng phụ kiện điện thoại gây chú ý khi đạt doanh số đến 13 tỷ đồng chỉ trong ngày 12/12.

Tuy nhiên thách thức phải đối mặt là rất nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cisco (một công ty mạng toàn cầu) đã công bố báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2020”. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đang đối mặt với những rào cản trong quá trình Chuyển đổi số như thiếu mindset trong chuyển đổi số (16%), không biết bắt đầu từ đâu (14%), thiếu các nền tảng công nghệ hỗ trợ cần thiết (12%). Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (11%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để Chuyển đổi số (18%).

Còn mục đích chuyển đổi số thì đến 28% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho rằng tập trung mở rộng thị trường và tăng trưởng, 21% hướng đến cải thiện sales và marketing, có 18% hướng đến phát triển sản phẩm mới, hay cải tiến sản phẩm cũ.

Ngoài ra theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin VINASA cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên chuyển đổi số vẫn chỉ là sự “khao khát” của khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số còn lại cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp “lớn”.

Thách thức vẫn còn nhiều nhưng cơ hội cũng rất lớn, đầu tiên là nhờ vào chủ trương của Nhà nước.

Theo Thời báo Ngân hàng, Chính phủ nước ta đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, phấn đấu có nền kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ 4.0 đạt ít nhất 20%.

Ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết chỉ trong 6 tháng, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

“Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới”

Việt Nam ta đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, nước ta sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Theo Vov.vn, Ngày 3 tháng 12 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình này là đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công, để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Cơ hội và thách thức đã rõ. Vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì để tiếp cận chuyển đổi số là gì?

Quy trình 5 bước tối thiểu:

  1. Xác định chiến lược, tầm nhìn hiện tại và tương lai: mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu tăng trưởng mà công ty muốn đạt được? xem xét liệu chuyển đổi số có phải là giải pháp tác động trực tiếp lên lợi nhuận hay không hoặc có phải giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hay không? Tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh hoặc các công ty ngoài thị trường về lợi ích họ đạt được khi thực hiện chuyển đổi số. Tương tự như mong muốn, nhu cầu trải nghiệm của khách hàng và người tiêu dùng. Nếu mọi yếu tố đều hướng đến là sự cần thiết chuyển đổi số thì doanh nghiệp mới nên bắt đầu hành động
  2. Rà soát năng lực hiện tại của doanh nghiệp: đơn giản là trả lời câu hỏi doanh nghiệp đã sẵn sàng để chuyển đổi số hay chưa? Có đủ nguồn tài chính? Hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ hiện tại như thế nào, có cần đầu tư thêm hay không? Nguồn nhân lực chuyên môn đã có chưa? Các quy trình hoạt động, vận hành hiện tại có tạo điều kiện chuyển đổi số hay chưa? Văn hóa làm việc của tổ chức như thế nào, có thuận lợi chuyển đổi số hay không? Các nhân viên đã sẵn sàng thay đổi cách thức làm việc hay chưa? Quan trọng nhất là quá trình thu thập, luân chuyển, chia sẻ dữ liệu đáp ứng hoặc có thể hỗ trợ chuyển đổi số hay chưa?
  3. Lập kế hoạch cụ thể: mọi thành công đều bắt đầu từ các kế hoạch hoàn hảo. Chuyển đổi số cũng vậy, không những doanh nghiệp xác định các quy trình nào cần chuyển đổi số, các công việc cụ thể cần thực hiện với mốc thời gian chi tiết, những bên liên quan mà còn hoạch định các nguồn lực cần thiết từ con người, tài chính đến công nghệ. Thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cần đạt được cũng như các quy tắc, chính sách để giám sát quá trình chuyển đổi số.
  4. Tìm kiếm nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp và tối ưu: công nghệ rất quan trọng đối với chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp lần đầu chuyển đổi số thì rất cần sự tư vấn của các chuyên gia bên ngoài. Hay doanh nghiệp có thể tự xây dựng các phòng ban, bộ phận, tuyển người có chuyên môn về để hỗ trợ. Còn về giải pháp, doanh nghiệp có thể tự mình thiết lập các nền tảng, hệ thống và tự quản lý hay nhờ vào bên thứ 3, thuê hoặc mua luôn giải pháp từ các công ty khác. Mỗi hướng tiếp cận đều có ưu và nhược điểm riêng, đều cần sự cân nhắc kỹ lưỡng đặc biệt là về mặt chi phí và tính hiệu quả
  5. Xây dựng văn hóa chuyển đổi số và các quy tắc, tiêu chuẩn cần thiết: khi các quy trình hoạt động thay đổi, bộ phận nhân viên, lãnh đạo sẽ còn chậm thích ứng, còn tư duy cũ, quen cách làm việc trước không thay đổi,… hậu quả kìm hãm quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần sự cam kết của tất cả các cá nhân, đội nhóm, phòng ban trong chuyển đổi số. Thiết lập các quy tắc làm việc, những hướng dẫn hữu ích cho nhân viên, truyền thông đến tất cả mọi người, nếu được cung cấp các chương trình đào tạo. Thiết lập các quy tắc làm việc liên quan đến dữ liệu, quản lý, chia sẻ dữ liệu để đảm bảo chất lượng dữ liệu đưa vào phân tích, khai thác.
  6. Chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt: ở hướng ngược lại, sẵn sàng tiếp nhận các đóng góp, ý kiến của không chỉ tất cả nhân viên, mà ở phía khách hàng, đối tác để cải thiện. Theo dõi xu hướng của thị trường, tìm hiểu những thành tựu mới lĩnh vực công nghệ, và dữ liệu Big Data, AI,… để xem xét áp dụng trong doanh nghiệp nếu có nhu cầu và phù hợp với nguồn lực hiện tại.

Đến đây là kết thúc chủ đề bài viết lần này. BigDataUni hẹn gặp các bạn ở những bài viết khác.

Về chúng tôi, công ty BigDataUni với chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác dữ liệu sẵn sàng hỗ trợ các công ty đối tác trong việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu một cách hợp lý, tối ưu nhất để hỗ trợ cho việc phân tích, khai thác dữ liệu và đưa ra các giải pháp. Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm “Tư vấn và xây dựng hệ thống dữ liệu”, “Khai thác dữ liệu dựa trên các mô hình thuật toán”, “Xây dựng các chiến lược phát triển thị trường, chiến lược cạnh tranh”.

error: Content is protected !!